Cao nguyên đá Đồng Văn – Xứng tầm công viên địa chất toàn cầu

Cao nguyên đá Đồng Văn – Xứng tầm công viên địa chất toàn cầu

Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang; trải dài trên bốn huyện gồm: Bản Ba, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Cao nguyên này đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3 tháng 10 năm 2010. Lúc bấy giờ danh hiệu này là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam.

Cao nguyên đá Đồng Văn được xem như là thiên đường màu xám; nơi núi cao hiểm trở. Nơi đây sở hữu hàng loạt di sản địa chất, chứa đựng dấu ấn về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. ngoài vẻ đẹp tự nhiên ta còn có thể gặp được những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây.

Chúng ta hãy cùng nhau  khám phá vẻ đẹp hoang sơ của công viên địa chất toàn cầu này ở phần bên dưới nhé!

đồng văn hà giang

Cao nguyên Đá Đồng Văn năm ở đâu trên bản đồ Việt Nam

Nằm về phía Bắc tỉnh Hà Giang thuộc vùng Đông Bắc và cực Bắc Việt Nam; trên độ cao trung bình từ 1.400 – 1.600m so với mực nước biển; Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UBND tỉnh Hà Giang chính thức thành lập vào ngày 9-9-2009; với tổng diện tích 2.347,63km² trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh; Đồng Văn và Mèo Vạc.

Ngay sau khi thành lập; Ban Quản lý Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã lập hồ sơ trình lên GGN (Global Geoparks Network – Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu) và đến ngày 3-10-2010; tại kỳ họp Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO tổ chức tại Lesvos – Hy Lạp.

Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ hai của khu vực Đông Nam Á được GGN công nhận (sau Công viên địa chất Lang Kawi của Malaysia được công nhận vào tháng 7-2007).

Tính đặc thù của cao nguyên đá Đồng Văn

Là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt của cả nước; Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 50 – 60% diện lộ đá vôi; được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau. Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sơ bộ thống kê được 138 di sản địa chất các loại, trong đó có 19 xếp hạng địa phương, 61 xếp hạng quốc gia và 58 xếp hạng quốc tế.

Theo phân loại di sản thì có 33 di sản kiến tạo; 45 di sản địa mạo, 16 di sản cổ sinh địa tầng và 54 di sản hang động trong đó có 12 di sản vừa là kiến tạo vừa là địa mạo như hẻm vực Tu Sản ở sông Nho Quế; vách đứt gãy dốc đứng dạng tam giác ở Lao Và Chải…

Di sản kiến tạo

cao nguyên đá

Cho đến nay các nhà khoa học đã sơ bộ thống kê được 33 di sản kiến tạo; tiêu biểu như hàng loạt thung lũng đứt gãy ở các khu vực Quản Bạ, Lao Và Chải, Phó Bảng – Khâu Vai; Sủng Là, Lủng Cú – Ma Lé, dọc sông Nho Quế, sông Nhiệm, Lũng Táo – Tu Sản; đặc biệt hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế được hình thành do đứt gãy của võ trái đất với bề sâu trên 1km và vách đá vôi dựng đứng cao khoảng 700m rất hiếm gặp trên thế giới; là một di sản tiêu biểu bậc nhất đã được xếp hạng cấp quốc tế…

Di sản địa mạo

đồng văn kì vĩ

Các nhà khoa học đã thống kê được 45 di sản địa mạo; tiêu biểu có hẻm vực Tu Sản – đèo Mã Pì Lèng; hẻm vực Khe Lía, hẻm vực Sông Miện, hẻm vực Nậm Lang…; địa hình cuesta ở các khu vực Bản Chang, Mậu Duệ, Lũng Cú, Đồng Văn…; các bề mặt san bằng ở nhiều độ cao khác nhau có mặt ở nhiều nơi, các rừng đá và hoang mạc đá ở Lũng Táo, Sảng Tủng, Khâu Vai, Quản Bạ, Lũng Cú…;

Các chóp núi đá vôi với nhiều hình dạng khác nhau, các thác nước ở Quản Bạ; Mèo Vạc…; thềm travertine ở Quản Bạ, các vách núi phẳng và dốc đứng dạng tam giác cân và tam giác lệch ở Du Già; Lao Và Chải, Sủng Là, Mã Pì Lèng…, các hố sụt cổ trong đá vôi ở các cánh đồng Thèn Pả, Bản Chang, Sảng Tủng…; di tích đáy sông cổ ở Mèo Vạc…

Di sản cổ sinh địa tầng

đá đồng văn

Các nhà khoa học đã phát hiện 17 nhóm hóa thạch cổ sinh trong các tầng đá trầm tích; rất đa dạng và phong phú về giống, loài, điển hình như hóa thạch Tay cuộn ở Ma Lé; hóa thạch Trùng Thoi ở Đồng Văn, hóa thạch hai mảnh vỏ ở mặt cắt Hồng Ngài – Sảng Tủng; hóa thạch Cá cổ và thực vật thủy sinh ở Xín Mần Kha; hóa thạch Bọ ba thùy ở Lũng Cú, hóa thạch Huệ biển, San hô… ở Lũng Táo, Lũng Pù…; trong đó có 26 giống và loài mới trên thế giới lần đầu tiên được tìm thấy tại Hà Giang và  được đặt tên theo các địa danh của địa phương như Billingsella loungcoensis; Pogodia hagiangensis; Spirifer bachounensis, Spirifer dongvanensis, Pterinea mieleensis; Spirifer sikaensis, Paras Triasopora changpungensis; Claraia phobangensis, Gravicalymene maloungkaensis…

Hai di sản địa tầng được đánh giá ở cấp quốc tế là Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra cách ngày nay khoảng 364 triệu năm ở khu vực đèo Si Phai xã Đồng Văn; huyện Đồng Văn đã làm tuyệt diệt khoảng 19% số họ và 50% số giống cổ sinh vật; Biến cố sinh học Permi – Trias cũng là ranh giới giữa hai đại Cổ sinh và đại Trung sinh xảy ra cách ngày nay khoảng 251 triệu năm, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới; đã làm tuyệt diệt khoảng 90 – 95% số giống; loài sinh vật biển và đất liền ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.

Di sản hang động 

Hệ thống hang động phong phú

hhang động đồng văn

Có 54 di sản hang động đá vôi được phát hiện trong đó nhiều hang động có ý nghĩa và thẩm mỹ như động Nguyệt, hang Ong, hang Xả Lũng; hang Sảng Tủng, hang Tia Sáng, hang Thẩm Ké, hang Dơi, hang Rồng; hang Mẹ Chúa Ba, hang Ngọc Long; hang Pa Ca, hang Sà Phìn, hang Italia; hang Lũng Pù, hang Lũng Chỉnh, hang Mía Lùng; hang Sủng Khe; hang Nậm Lang, hang Du Già… Nhiều hang động còn ẩn mình trong các khối núi đá vôi cho đến nay vẫn chưa được khám phá.

Khu vườn đá đa dạng hình thái

Tại Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, do có sự đa dạng địa chất cao cùng với thay đổi về khí hậu mà quá trình tiến hóa Karst đã hình thành nên các khu vườn đá, rừng đá rất đa dạng; phổ biến với các đỉnh nhọn dạng kim tự tháp được gọi là chóp Karst kiểu Đồng Văn ở khu vực Đồng Văn; Sảng Tủng, Lũng Táo, Sà Phìn, các chóp đá dạng bông hoa; nụ hoa, nhành hoa muôn hình muôn vẻ ở vườn hoa đá Khâu Vai; các hình thù kỳ dị gợi liên tưởng đến các thế rồng cuốn hổ ngồi như ở vườn thú đá Lũng Pù.

Hàng loạt những tảng đá vôi tròn nhẵn và đen bóng do bị phong hóa bào mòn trông tựa như đàn hải cẩu tại bải hải cẩu Vần Chải; nhiều đá tảng, đá vụn; đá lăn nằm ngổn ngang trên các sườn núi và chân núi tạo nên cảnh quan hoang mạc đá thô ráp ít thấy ở Việt Nam như tại hoang mạc đá Sảng Tủng; đặc biệt ngọn tháp Kim Pả Vi được cấu tạo từ đá vôi; có thân hình tháp mũi nhọn hình kim đứng vững chãi bên hẻm vực sông Nho Quế rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới…

Hệ sinh thái đa dạng

công viên địa chất đồng văn

Ngoài các giá trị địa chất, địa mạo; Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn còn là vùng núi đá có hệ địa – sinh thái đa dạng và khá độc đáo với quần xã rừng kín thường xanh nguyên sinh mưa ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới vùng núi cao còn tương đối nguyên vẹn.

Nơi đây có 289 loài thực vật bậc cao thuộc 83 họ trong đó có nhiều gỗ; lâm sản và các loài thuốc qúy. Các nhà sinh vật học đã phát hiện nhiều loài thực vật qúy hiếm như Dẻ tùng sọc nâu; Thông tre lá ngắn, Hoàng đàn rủ, Thông đỏ…; đặc biệt cây Thông đỏ ở Thài Phìn Tùng có đường kính đến 70cmđược xem là lớn nhất và sống lâu năm nhất ở miền Bắc Việt Nam tính đến thời điểm được phát hiện.

Giống thông đầu tiên được mô tả trong thế kỷ 21 là cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis) được phát hiện ở vùng Tây Bắc Quản Bạ tiếp giáp với Trung Quốc (được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN). Trong tháng 5-2005, các nhà khoa học đã phát hiện hai loài thực vật gồm cây Đỉnh tùng và cây Bảy lá một hoa (được xếp cấp R – cấp hiếm Sách Đỏ Việt Nam). Tháng 9-2005, Tạp chí Di truyền học và Ứng dụng số 1/2005 cũng đã công bố một phát hiện mới về loài Trân châu lá dài (Lysimachia vittiformis F.H. Chen & C.M. Hu) ở gần bản Lô Thàng, xã Thái An, huyện Quản Bạ. Ngoài ra, còn có hơn 40 loài lan và địa y trên những hoang mạc đá vôi ở cao nguyên Đồng Văn.

Nơi bảo tồn hệ động vật phong phú

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già nằm về phía Nam Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có hệ động vật khá phong phú gồm 171 loài thuộc 73 họ và 24 bộ, trong đó 57 loài thú, 82 loài chim, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Có 27 loài động vật qúy hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát. Đặc biệt từ năm 2002 đã phát hiện ra đàn Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), một trong năm loài linh trưởng của Việt Nam và trong số 25 loài linh trưởng của thế giới, với gần 100 cá thể ở khu vực đệm rừng Khau Ca.

Văn hóa truyền thống phong phú

đồng văn đa dạng dân tộc

Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi sinh tụ của khoảng 250.000 cư dân thuộc 17 dân tộc gồm; H’Mông, Tày, Lô Lô, Giáy, Dao, Nùng, Kinh, Hoa…; một số dân tộc chỉ duy nhất có ở Hà Giang như Pu Péo, Cờ Lao, La Chí, Bố Y. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa truyền thống riêng rất phong phú; từ ngôn ngữ, phong tục, tập quán; tín ngưỡng đến nền văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca; truyện cổ, các lễ hội mang nét đặc trưng vùng cao…

Trong lao động, các cư dân cũng đã sáng tạo phương thức canh tác rất độc đáo khi trồng ngô trong các hốc đá để thích nghi với điều kiện tự nhiên vừa thiếu đất lại vừa thiếu nước vô cùng khắc nghiệt. Sự hiện diện của các cộng đồng cư dân nơi đây đã đem lại cho Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn một giá trị tự thân hiếm thấy; một diện mạo văn hóa đặc sắc không lẫn với bất cứ vùng miền nào trên đất nước Việt Nam…

Các vấn đề bảo tồn

Hiện tại, ngành Văn hoá thể thao và du lịch đang nỗ lực phát huy tối đa các tiềm năng du lịch và các bản sắc văn hoá dân tộc ở trên cao nguyên đá; đồng thời giữ gìn các di sản vốn có. Hà Giang đã cấm khai thác đá, hang động; nhũ đá và tất cả các công việc liên quan đến di sản Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh coi đây là động lực; tiền đề tốt đẹp nhất cho việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng; du lịch trên cao nguyên đá.

Tỉnh Hà Giang đang thực hiện việc cắm biển di tích và nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng các dân tộc; tạo điều kiện phát triển kinh tế; góp phần nâng cao đời sống của các dân tộc vùng cao. Cùng với đó, người vùng cao nguyên đá Đồng Văn những chủ nhân của di sản thế giới mới; có điều kiện chung tay bảo vệ di sản quý giá của nhân loại.

Nguồn: aseantraveller.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội