Tây Bắc là nơi sinh sống của rất nhiều các dân tộc thiểu số như Thái, Mông,.. Muốn khám phá Tây bắc thì không thể bỏ qua những khu chợ phiên, nơi giao lưu giữa các dân tộc của vùng núi Tây Bắc. Chợ Phiên là loại hình văn hóa mang đậm nét đặc trưng, bản sắc của các dân tộc vùng cao. Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán của bà con vùng cao. Đây còn là nơi gặp gỡ hẹn hò của các nam thanh nữ tú qua tiếng hát, tiếng sáo. Cùng HRV tìm hiểu các nét văn hóa chợ phiên của các dân tộc vùng cao như thế nào nhé!
Chợ Phiên – Đặc điểm mới lạ trong văn hóa đầu xuân của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc
Những phiên chợ ở vùng đất Tây Bắc từ lâu đã trở thành điểm đến cho những ai ưa khám phá, như: Cán Cấu, Bắc Hà; Sa Pa (Lào Cai); Mường Lò, Tú Lệ… Dù ở chợ phiên nào, du khách cũng cảm nhận được niềm vui xuống chợ của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Thái…
Chợ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật hàng tuần; đi chợ chủ yếu là đồng bào H’Mông với các sản vật từ núi rừng. Những chàng trai người H’Mông gánh lợn đến chợ bán, những cô gái với gùi rau xanh; măng rừng hay những bó củi trên lưng.
Từ sáng sớm, trên những con đường dẫn đến thị trấn Đồng Văn tấp nập người; sặc sỡ màu váy áo, tiếng cười nói râm ran; tiếng vó ngựa hối hả làm cho thị trấn ở nơi địa đầu Tổ quốc như bừng tỉnh với phiên chợ cuối tuần.
Tuy là chợ vùng cao nhưng khá gọn gàng, từng khu bán hàng riêng nhưng vẫn đan xen vào nhau. Khu bán thịt lợn với những tảng thịt to và tươi được treo lủng lẳng; khách mua miếng nào thì tự cắt miếng đó rồi gói vào lá chuối tươi thả vào gùi.
Náo nhiệt chợ phiên vùng cao Tây Bắc
Khu bán quần áo và khăn thổ cẩm là đông khách nữ nhất. Cô gái nào cũng cố chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất; những bộ vòng bạc trắng hay những đôi khuyên tai được làm bằng tay.
Dãy bán rượu ngô cũng khá đông khách, hàng trăm chiếc can nhựa đựng rượu xếp thành hàng dài; người mua nếm rượu bằng nút can. Đặc biệt là nếm rượu thoải mái mà không phải trả tiền, cứ mỗi hàng nếm một nắp lần lượt đến cuối dãy hàng rượu thì cũng là lúc người nếm say mềm.
Nếu thấy đói bụng, bạn có thể mua bánh làm từ bột tam giác mạch nướng hoặc những gói xôi nếp nương ngũ sắc được bán khắp chợ. Đây cũng là những món ẩm thực đặc trưng của đồng bào H’Mông. Chợ ở đây có bán gà đen, một giống gà có thịt và xương màu xám đen. Gà đen là đặc sản của vùng cao Hà Giang được người H’Mông nuôi, thịt thơm ngon và còn có thể làm thuốc được; giá bán tại chợ vào khoảng 200 nghìn đồng 1kg.
Những món đặc sản thắng cố vùng cao
Điểm chung của các chợ phiên vùng cao là hàng hóa hầu hết đều là nông sản địa phương hay nông cụ sản xuất do chính bàn tay người dân làm ra. Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân trên những vùng đất còn nhiều khó khăn.
Ngay giữa chợ là chảo thắng cố ngựa đang sôi sung sục tỏa mùi thơm. Đây là một món ăn đặc sản nổi tiếng của Hà Giang, ai đến đây cũng nên thưởng thức một lần cho biết.
Một chiếc chảo lớn có đường kính 2m đun bằng củi; bên trong là nội tạng của ngựa như lòng, phổi, gân, tim, gan, tiết; xương được nấu lẫn với hoa hồi, quế chi, thảo quả tỏa lên một mùi thơm béo ngậy.
Có nhiều anh say quá nằm ngủ ngay bên đường, vợ ngồi bên cạnh trông mà không hề nói câu nào cho đến lúc chàng tỉnh thì cùng đi về nhà. Với 10 nghìn đồng là đã có một bát to thắng cố; nhấm nháp với món rượu ngô làm cho bạn say lúc nào không biết. Thế nên những chàng trai người H’Mông sau khi đi chợ về thường say xưa; nằm vắt mình trên lưng ngựa, để ngựa tự đưa về nhà.
Thị trấn về đêm ở vùng Tây Bắc
Những người phụ nữ H’Mông và trẻ em thường mang theo túi cơm nguội từ nhà; khi đến chợ họ mua một bát thắng cố sau đó trộn cơm vào ăn. Thế mới biết món thắng cố hấp dẫn với người H’Mông như thế nào, đến chợ mà chưa ăn thắng cố thì coi như là chưa đi chợ phiên.
Vào buổi tối, cả dãy phố nhà nào cũng treo đèn lồng đỏ ngoài hiên. Đâu đó trong không gian văng vẳng tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái H’Mông.
Phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà có tường bao bằng đất hoặc gỗ. Bạn có thể vào thăm ngôi nhà hay tìm hiểu lối sinh hoạt của người dây ở đây và chắc chắn bạn sẽ được chủ nhà mời uống rượu ngô; vì đây là một tục lệ mến khách.
Nguồn: giaoduc.net.vn