Còn thương lắm tiếng vịt kêu đồng quê mẹ

Còn thương lắm tiếng vịt kêu đồng quê mẹ

Nếu ai đã từng trải qua thời thơ ấu êm đềm ở miền quê, thì tiếng vịt kêu đồng sẽ là âm thanh bạn khó mà quên được. Âm thanh quạc..quạc… này không hay như tiếng đàn, cũng không trong trẻo như tiếng suối. Mà nó gơi cho ta chút man mác mác buồn, chút bồi hồi, xao xuyến. Nhưng âm thanh này cũng khiến ta có cảm giác bình yên đến lạ, cảm thấy an toàn, ấm áp nơi miền quê. Nó như là một bản giao hưởng miền quê, vỗ về, vuốt ve tâm trạng của con người mỗi khi gặp giông bão.

Tiếng vịt kêu đồng trong ký ức

Khi nghĩ về tuổi thơ, ký ức trôi lại về dòng sông, cánh đồng của quê hương. Đong đầy trong ký ức là những lần đùa nghịch với đám bạn cùng xóm, âm thanh lao xao của tiếng vịt chạy đồng. Tiếng mắng của mẹ của bà, cái nhìn nghiêm nghị của ba . Và còn có cả tiếng cười ngặt nghẽo của trẻ nhỏ trên lưng trâu.

Cánh đồng quê sau mùa gặt chỉ còn lại trơ trọi gốc rơm rạ nên người dân thường nuôi thêm vịt để kiếm thêm thu nhập. Hai, ba nhà rủ nhau hùn vốn cùng nuôi, nhà tôi với nhà mấy đứa bạn nuôi chừng vài trăm con. Cánh đồng trơ gốc rạ là nơi kiếm ăn của lũ vịt. Những hạt thóc còn sót lại dưới đất, dế, ốc, giun và nhiều loài thủy sinh khác là thức ăn giúp vịt mau lớn. Ngồi nhìn lũ vịt tranh nhau con giun, con dế là thú vui của những đứa trẻ vùng quê.

Lũ trẻ chúng tôi thích nhất là lúc vịt đẻ trứng. Mới sáng sớm đã cầm rổ đi nhặt trứng để có thêm sách vở, quần áo cho năm học. Và còn để được thưởng thức cái hương vị của trứng vịt trong bữa cơm đạm bạc. Đối với tôi, hương vị từ trứng vịt chạy đồng luôn tươi ngon mà không gì sánh được.

Thú vui lượm trứng vịt

Tiếng vịt kêu đồng là đồng hồ báo hiệu

Tiếng vịt kêu là tín hiệu giúp chúng tôi men theo bờ ruộng để đem cơm trưa cho ba và các chú. Những hôm nước đổ ải vào đồng thì lại có thêm những con cá để chiều về ba và các chú có mồi nhâm nhi. Cũng có lúc trưa đó chúng tôi lại được món cá nướng rạ thơm lừng. Mùi cá hòa quyện cùng mùi rơm. Miệng đứa nào đứa nấy đen nhẻm mà cười tươi vì được thưởng thức “hương đồng gió nội” ngay giữa đồng quê. Ăn xong lại kiếm cớ lội xuống đồng để cảm nhận sự nham nhám dưới chân khi gốc rạ đâm vào chân.

Khi tiếng máy cày khởi động cho một vụ mùa mới cũng là mùa vịt chạy đồng kết thúc. Năm sau sẽ lặp lại điệp khúc ấy nhưng mỗi mùa đều cảm nhận được tình cảm đong đầy. Chúng tôi dần trưởng thành theo đuổi ước mơ tương lai. Nhưng tiếng vịt âm vang trên đồng vẫn vọng những nỗi nhớ nhung đau đáu về quê hương xứ sở, về ba mẹ.

Thời gian qua đi, tiếng vịt kêu đồng vẫn còn đó

Quê hương tôi muôn đời nay vẫn vậy với cánh đồng lúa mênh mông nhuốm màu rơm rạ. Mùi khói đốt đồng, tiếng vịt kêu mãi là âm thanh không thể nào quên được. Tự dưng lại nghe mùi vịt trong từng tờ giấy bạc, mùi của bùn sình, mồ hôi ba mằn mặn. Giở sách cũng lại thấy chữ nhảy múa như những con vịt bì bõm giữa đồng vắng. Tôi như đang nghe tiếng vịt kêu nơi cánh đồng làng…

Chiều chiều ra sông nhìn đàn vịt chạy đồng dưới ánh hoàng hôn, không gian trở nên yên bình đến lạ. Nếu có thể đưa vào tranh vẽ, thì khung cảnh này chính là một tuyệt tác của thiên nhiên. Thời gian như ngưng lại, mọi muộn phiền, lo toan cũng tạm biến mất. Cảm giác này sẽ khiến bạn cảm thấy yên ả, chỉ muốn ngồi nhìn mãi đám vịt chạy đồng.

tiếng vịt kêu đồng-kỉ niệm khó quên

Thương ba ngày xưa lam lũ. Thương mẹ ngày xưa tảo tần. Nhờ có nghề nuôi vịt chạy đồng mà con được đến trường và khôn lớn thành người. Cuộc sống cơ cực mà luôn đầy tình thương. Trải qua một thời gian khổ ta mới hiểu hơn giá trị của gia đình. Giàu có gì không bằng giàu có tình yêu thương. Bây giờ ba đã già không còn nuôi vịt nữa nhưng sao tôi vẫn cứ hoài nhớ tiếng vịt kêu. Và tôi vẫn nhớ mãi dáng hình của ba trên cánh đồng quê thuở nào.

Kết

Có bao giờ trong một phút giây tất bật của cuộc sống, bạn chợt thèm nghe tiếng vịt đồng kêu chưa? Đối với những người con xa quê, âm thanh này là liều thuốc tinh thần với họ. Tiếng vịt kêu như cổ vũ họ cố vượt qua chông gai cuộc sống, để khi rảnh rỗi về với vùng quê yên bình.

Nguồn: baodaklak.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội