Từ xưa đến nay, ẩm thực Việt Nam luôn là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt. Món ăn Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu chế biến luôn làm thực khách hài lòng. Ba miền Bắc, Trung , Nam mỗi miền đều có những hương vị đặc trưng riêng cho món ăn. Miền Bắc ăn mặn, miền Trung ăn cay còn miền Nam thì ăn ngọt. Mỗi món ăn đều mang linh hồn riêng trong đó, tất cả như lột tả hết những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Dù cho có là người Việt thì cũng chưa chắc được nếm thử hết các món ngon trên mọi miền tổ quốc. Hôm nay hãy cùng theo chân HRV điểm mặt những món ăn ” linh hồn ” của ẩm thực Việt Nam.
Phở truyền thống Việt Nam
Phở là món ăn Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới, là món ăn đầu tiên được du khách lựa chọn khi đặt chân đến đất Việt. Trong món phở có vị thanh tao của rau thơm, vị ngọt bùi của nước dùng xương hầm. Và dĩ nhiên không thể thiếu những sợi bánh phở vừa mềm mượt vừa dai. Bạn có thể ăn phở gà hoặc phở bò, vào bất cứ lúc nào trong ngày, mùa nào trong năm và ở bất cứ nơi đâu bạn muốn. Đặc biệt, nói đến phở ngon là người ta nghĩ ngay đến Hà Nội. Phở như một món ăn đặc trưng của Hà Nội mà bất cứ ai cũng muốn nếm thử khi đặt chân đến.
Để thưởng thức món phở ở Hà Nội, bạn có thể đến phở Thìn, chuỗi phở 24, phở Gia Truyền (49 Bát Đàn), phở Lý Quốc Sư, phở gà Nam Ngư…Tất cả địa chỉ này đều là những địa bán phở có tiếng từ lâu đời. Không chủ thực khách Việt Nam mà cả những thực khách nước ngoài cũng mê mẩn hương vị của các quán phở nổi tiếng. Vị ngon của vước dùng và cái deo dai của bánh phở chính là một phần tạo nên sự hấp dẫn cho món phở. Phở ở mỗi miền lại có một hương vị đặc trưng khác nhau. Vậy nên nếu có cơ hội thì bạn hãy cố gắng nếm thử vị phở ba miền nhé.
Bún chả Hà Nội đặc biệt
Bún chả được xem là “bửu vật” lâu đời của đất Hà thành. Có hai loại chả là chả băm và chả miếng. Sau khi tẩm ướp các gia vị, thịt lợn được nướng trên bếp than hoa, đến khi chín, thịt vàng rộm và tỏa mùi hương thơm phức. Thả thịt vừa nướng vào bát nước mắm pha loãng có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Điểm thêm vào đó những lát cà rốt, su hào hoặc đu đủ xanh thái mỏng. Sau đó được bóp muối và ngâm dấm. Chả nóng ăn với bún rối, kèm theo các rau xà lách, rau thơm, húng, kinh giới, tía tô… ngon không thể nào quên.
Hà Nội có rất nhiều quán bún chả ngon, tùy theo khả năng khám phá của bạn. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở số 1 Hàng Mành, ngõ Trạm, ngõ Hàng Chiếu. Hoặc bún chả que tre ở đầu ngõ 81 đường Lạc Long Quân cũng là một địa chỉ bún chả ngon. Khi ăn bún chả nhớ cho thêm ít ớt cay cay để cảm nhận rõ hơn cái hương vị đặc biệt mà bún chả mang lại.
Bánh chưng – Món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam
Bánh chưng không thể thiếu vắng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Đó là những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt với màu xanh tươi của lá dong. Gói gọn bên trong là những hạt nếp dẻo mềm, vị đậu xanh ngon bùi, vài miếng thịt lợn béo ngậy. Bánh chưng là đồ lễ dâng cúng tổ tiên, ông bà. Vì vậy, người Việt luôn chọn những nguyên liệu ngon nhất, tươi nhất để làm bánh. Khi gói chăm chút rất cẩn thận sao cho chiếc bánh trông đẹp mắt, vuông thành sắc cạnh.
Gói xong đem luộc trong thời gian khoảng 12 giờ đồng hồ để bánh chín mềm. Khi ăn, người ta gỡ từng lớp lá, lộ dần ra chiếc bánh nhuộm màu xanh tươi của lá dong. Bánh chưng ăn không hết có thể bỏ ngăn đá tủ lạnh khi muốn ăn chỉ việc bỏ ra chiên hoặc hấp lại. Bánh chưng luôn gắn liền với mỗi gia đình Việt Nam, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về. Nhà nhà quây quần bên nồi bánh trưng đã để lại hình ảnh không thể phai trong ký ức mỗi người con Việt Nam.
Bánh cốm
Bánh cốm là sản vật nổi tiếng chỉ có ở Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp. Bánh cốm là món quà được ưa chuộng của mọi du khách. Bánh cốm ngon đảm bảo tinh khiết, không có chất bảo quản. Món ăn này có vị dẻo thơm của cốm và vị ngọt bùi của đỗ xanh, càng ăn càng đậm đà.
Công đoạn làm ra bánh cốm rất cầu kỳ, phức tạp. Nó đòi hỏi người làm phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh làm ra phải đạt độ thơm, dẻo nhất định. Bánh cốm ngon nhất là khi ăn và thưởng thức cùng với trà. Một món ăn tinh thần quen thuộc với người dân Việt Nam. Mỗi buổi tối trăng rằm, một ẩm trà cùng vài chiếc bánh cốm là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt. Bánh cốm không có chất bảo quản nên phải sử dụng ngay. Cũng chính vì vậy mà vị thơm ngon của cốm được gói gọn trong từng chiếc bánh.
Chả cá lăng Lã vọng
Chả cá Lã Vọng là một món ăn tao nhã, đã được tác giả Patricia Schultz – người từng đi vòng quanh thế giới đưa vào cuốn “1000 nơi nên biết trước khi chết”. Vì thế, du khách đến Hà Nội không thể bỏ qua món ăn này. Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, loại cá không có xương dăm và rất ngọt thịt. Thịt cá dai và có vị ngọt tự nhiên rất thơm ngon. Một số quán ăn còn thay cá lăng bằng những loại cá khác cũng rất ngon.
Thưởng thức chả cá là một nghệ thuật. Giữa bàn là một lò đất nhỏ hồng rực than, trên bếp là cái chảo để người ngồi ăn quanh bàn có thể nhìn thấy màu vàng dịu và trong trẻo của dầu sủi tăm, đặc biệt là miếng chả cá thơm phức. Khi ăn, bạn gắp thì là và hành hoa cắt dài độ một ngón tay thả vào chảo. Lúc này miếng chả vừa chín tới, cong lên giữa những cọng rau xanh bóng mỡ… Món ăn này thường được thưởng thức kèm bún trắng, một chút lạc rang vàng, hành ta thái chỉ ngâm dấm trắng dịu, ít mùi, ít húng Láng, nước chấm là mắm tôm, chanh, ớt…
Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở một số nơi tại Hà Nội, nhưng nổi tiếng nhất là nhà số 14 phố Chả Cá của dòng họ Đoàn, bởi đây là nơi ra đời món chả cá Lã Vọng. Đảm bảo khi thưởng thứ món cá này bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên vì hương vị thơm ngon của nó. Thịt cá dai dai ăn kèm với các loại rau càng làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn.
Các loại chè đặc biệt của Huế
Huế nổi tiếng với các món chè. Từ những nguyên liệu thiên nhiên quen thuộc như đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn. Chè Huế là sự kết hợp mới lạ và độc đáo, hội đủ vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của những hạt đậu. Mỗi loại chè khác nhau đều mang một mùi thơm rất đặc trưng. Du khách có thể tùy ý lựa chọn cho mình món chè khoái khẩu. Từ những loại chè sang trọng có nguồn gốc cung đình như chè hạt sen tươi, chè hạt sen bọc long nhãn, chè đậu ngự. Đến những loại chè bình dân như chè khoai môn, chè đậu xanh, chè bắp…
Chè có mặt khắp mọi nơi trên đất cố đô, nhưng ngon nhất vẫn là quán chè Hẻm ở đường Hùng Vương. Quán chè Sao ở đường Phan Bội Châu. Ngoài chè, xứ Huế còn nổi tiếng với rất nhiều loại bánh thơm ngon như bánh bèo, bánh khoái, bánh bột lọc, bánh nậm. Các loại bánh ăn cũng thơm ngon không kém gì các món chè. Đảm bảo ăn một lần khiến bạn nhớ mãi không quên.
Cao lầu – Đặc sản Hội An
Tại Hội An, quán chị Liên nằm trên đường Thái Phiên, hoặc quán Trung Bắc nằm trên đường đi ra chùa Cầu. Đây đều là những quán cao lầu khá ngon. Thực khách khi đến đây thưởng thức đều tấm tắc khen ngợi vị ngon của cao lầu. Nhiều người còn ví cao lầu nghe như tên một món ăn mỹ vị dành cho vua chúa. Những du khách đến Hội An thử qua một lần đều nhớ mãi không quên. Cao lầu chỉ ăn ở Hội An mới có vị ngon đúng điệu. Nếu có thời gian bạn hãy thử ghé qua và nếm thử món ăn hấp dẫn này nhé.
Nem rán nhân thập cẩm
Thật khó có món ăn nào trong kho tàng ẩm thực Việt Nam lại dễ ăn và được nhiều du khách quốc tế ưa thích như món nem rán. Nem gồm bánh đa nem bọc các loại nguyên liệu như nấm hương, mộc nhĩ, củ đậu thái chỉ, thịt nạc vai xay nhỏ, lòng đỏ trứng gà. Các loại nguyên liệu trộn lẫn cùng các loại gia vị giúp “thăng hoa” cho hương vị nem. Bánh tráng gói nem có rất nhiều loại cho mọi người lựa chọn, Nhưng nên chọn loại bánh mỏng và quét lên một lớp nước chanh. Như vậy khi chiên bánh sẽ giòn lâu hơn rất nhiều. Đây cũng chính là bí quyết cho nem giòn lâu hơn.
Để có chiếc nem thơm và đạt tiêu chuẩn, khi rán, nem ngập trong mỡ sôi già và thường xuyên được đảo đều các cạnh. Lúc vớt ra, vỏ nem chín vàng rộm. Từ món nem rán cổ truyền, ngày nay người ta đã sáng tạo ra nhiều món nem rất hấp dẫn. Không chỉ có nhân thịt và mộc nhĩ, người ta còn làm cả nem rán chay từ nhân khoai lang. Hương vị bùi béo, thơm ngon của nem rán chay mang lại cảm giác ngon miệng không kém gì nem rán truyền thống. Nem rán khi ăn kèm với các loại rau hay ăn với bún cũng sẽ rất thơm ngon.
Cá lóc nướng rơm
Ở Nam Bộ, sau mùa lúa chín là mùa cá ngon, và đây là thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức món cá lóc nướng trui nổi tiếng. Mùa này cá béo và rất chắc thịt, lại dễ mua, dễ bắt. Những chú cá lóc béo tròn, to bằng cổ tay bị trét đất sét khắp mình. Vùi cá vào đống rơm rạ hoặc lá khô rồi đốt cho đến khi lửa tàn thì khơi tro lấy ra chú cá bằng đất sét cứng ngắt, nóng hổi. Đập vỡ lớp đất cứng ra, da và vảy cá cũng theo vỏ đất đi nốt, chỉ còn lại lớp thịt cá trắng ngần, thơm phức.
Đặt cá lên tấm lá xanh, trang điểm xung quanh bằng các loại rau đắng, rau dừa, cải trời, rau quế… để ăn kèm. Khi ăn, chấm cá và rau vào muối hoặc mắm nêm, nước mắm chua ngọt, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm ngon đậm đà. Có thể dùng bánh đa nem gói ngọn rau, miếng cá cho gọn gàng. Đây là món ăn chống ngán cho những ngày chán cơm, chán thịt. Cá lóc cũng là loại cá rất dễ kiếm, dễ mua. Thịt cá lóc chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra cá lóc còn có thể kho tộ cũng rất đưa cơm, nước mắm của cá kho dùng để chấm rau cũng rất đưa cơm. Nếu có thời gian bạn hãy thử làm món này cho gia đình nhé.
Lẩu mắm và canh chua, cá kho tộ – Đặc sản Nam Bộ
Món lẩu mắm Nam Bộ quy tụ đầy đủ các sản vật từ biển cả, ao hồ, ruộng đồng, sông ngòi, với cá, tôm, cua, mực, thịt bò, thịt lợn. Rất nhiều loại rau như bông súng, bông điên điển, lá me non, lá giang, rau đắng, kèo nèo. Cá để nấu canh là cá lóc hoặc cá trê trắng, cá dứa. Những loại cá này ít xương, nhiều thịt nấu lên rất ngọt nước. Người già hay trẻ nhỏ ăn cũng rất dễ dàng. Ngoài thái miếng thì còn có thể xay cá ra làm chả để ăn lẩu cũng rất ngon.
Khi nấu xong, cá và rau đều chín vừa, nước canh chua, có vị ngọt dịu và cay, trông rất bắt mắt. Khúc cá trắng phau nằm giữa màu đỏ, màu xanh của cà chua, ớt và các loại rau… Tuyệt nhất là ăn canh chua với cá kho tộ. Đó là món cá rô hay cá kèo, cá bông lau… ướp nước màu dừa, kho với nước mắm ngon trong chiếc tộ đất nung, cho thêm ít mỡ, hạt tiêu tạo vị ngậy và thơm. Nước kho cá chấm rau ăn rất đậm đà. Cá kho tộ ăn rất đưa cơm. Ở miền Tây người ta thường kho một nồi cá kho tộ sau đó chấm rau. Nếu chưa biết ăn gì thì hãy học ngay công thức cá kho tộ này cho gia đình nhé.
Đúc kết
Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, còn rất nhiều món ăn đã đem lại danh tiếng cho địa phương. Khi nhắc đến người ta thường gắn với địa danh đã làm nên tên tuổi món ăn. Ngoài các món ăn, đồ uống của Việt Nam cũng rất độc đáo và đa dạng. Trà sen, trà nhài thanh tao, cà phê, rượu cần Tây Bắc và Tây Nguyên thơm dịu,… luôn hấp dẫn du khách. Không chỉ du khách Việt Nam mà cả du khách quốc tế cũng trầm trồ trước những món ăn Việt. Chỉ tính riêng Việt Nam có 54 dân tộc thì đã thấy được sự đa dạng của ẩm thực Việt nam. Ẩm thực Việt Nam chính là một thế mạnh của Việt Nam. Dù có xa quê hương thì những người con xa xứ vẫn luôn nhớ về ẩm thực quê hương.
Nguồn: vtr.org.vn