Rất nhiều thanh niên rời quê hương lên Sài Gòn sống đời công nhân, ai cũng nghĩ cuộc sống họ thoải mái hơn. Nhưng mấy ai biết được cuộc sống của họ là chuỗi ngày cần kiệm tích góp. Đời sống công nhân nào có được thoải mái, tự do. Mà họ phải bóp bụng để tích góp từng đồng, từng cắt gửi về nhà. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, vùi đầu vào nhà máy, cố gắng tăng ca. Nếu đi qua những xóm trọ công nhân, bạn sẽ không kìm được nỗi xót xa với nơi sống thiếu thốn của họ.
Ghé thăm xóm trọ công nhân
Vắt ngang địa phận quận Bình Tân, Kênh 19/5, đoạn đi qua địa phận phường Sơn Kỳ. Đây là nơi tập trung nhiều công nhân xa xứ gửi thân trong những dãy nhà trọ tồi tàn. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là nhà số 95. Nhà có chiều ngang 4,5m, dài khoảng 30m. Một không gian không mấy rộng rãi để sinh sống.
Nặng nề mở cửa căn phòng trọ rộng khoảng 6m2 bên trong chẳng có gì ngoài những bộ quần áo nhàu nát, xoong nồi lỏng chỏng. Anh Lê Thành Tâm, công nhân may của Công ty K.N. ở KCN Tân Bình, quê ở tỉnh Tiền Giang, thở dài: “Tiền nào của đó, người ta sao mình vậy!”. Nghe câu nnày mà thật sự xót xa.
Nỗi niềm đời sống công nhân
Kham khổ là thực trạng về đời sống của một bộ phận không nhỏ giới thợ, những người có nhiều đóng góp, cống hiến trong việc tạo ra nguồn kim ngạch, thu hút lượng ngoại tệ lớn cho ngân sách TP HCM.
Nỗi niềm của những người độc thân xa xứ
Lăn bánh vào các khu dân cư ổ chuột công nhân, chúng tôi ghi nhận những hình ảnh nhói lòng. Để tiết kiệm chi phí thuê phòng, có căn phòng chỉ 7m2 nhưng có đến 5-6 công nhân tá túc. Tại một phòng trọ cơ hàn như thế ở hẻm 321. Anh công nhân tên Tuấn, phân trần: “Cả ngày đi làm suốt, tối về đặt lưng ra là ngủ, sáng lại đi nên ở rộng làm gì. Chịu chật chội một chút thì chi phí trả tiền phòng trọ trên đầu người sẽ ít đi, mỗi tháng mỗi đứa tụi em trả trăm rưỡi”.
Tánh, bạn cùng phòng, thở dài: “Đời công nhân ở trọ khốn đốn lắm. Dãy phòng 7 căn với gần 40 người sinh sống mà chỉ có 2 cái toilet nên kẹt phà hoài. Đi làm về ai cũng mệt mỏi, cũng muốn tắm rửa nghỉ ngơi sớm nhưng phải chờ đợi mới tới lượt. Có khi đợi đến 9-10h tối thì cúp nước, cúp điện…!”.
Để xóa tan không khí nặng nề, một bạn đồng nghiệp đi cùng nói sang chuyện giải trí,. Nói về các cuộc thư hùng giữa các đội bóng tại vòng chung kết World Cup tại Nam Phi. “Đừng nói mấy chuyện đó anh ơi”. Nam công nhân ngành giày da tên Hùng, đề nghị: “Tụi em đi làm cả ngày, về là ngủ lấy sức để mai tiếp tục vào xưởng. Tụi em đâu có sức mà thức coi bóng đá như người ta”. Tánh tiếp lời bạn: “Có sức cũng chẳng dám coi bởi tốn điện lắm. Tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó anh ạ!”.
Nỗi niềm đời sống công nhân của những cặp vợ chồng
Tại căn phòng trọ ở dãy nhà trọ hơn chục phòng của một ngôi nhà không số dọc kênh. Nữ công nhân may Lê Thị Hiếu, quê ở thị xã Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cặm cụi nấu cơm. Chị đang chờ chồng là anh Lê Văn Mai, làm công cho một xưởng dệt về ăn. “Công ty của ảnh không cho ăn cơm trưa, mà ăn ngoài thì tốn tiền. Em thì đang thất nghiệp nên phải thổi cơm cho tiết kiệm thôi anh, đời sống công nhân là vậy”-Hiếu nói.
Như mọi hôm, bữa cơm của hai vợ chồng Hiếu – Mai chẳng có gì ngoài bó rau muống luộc. Hiếu lấy nước làm canh và nồi cá kho ăn 3 ngày vẫn chưa hết. Theo phép lịch sự, vợ chồng Hiếu mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà chẳng có gì đáng giá 200.000 đồng ngoài chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng. “3 năm rồi tụi em có biết tivi, phim ảnh là gì đâu. Ở đây chủ họ tính tiền điện đắt lắm, 1KW đến 3.500 đồng. Em xài dè xẻn lắm mỗi tháng cũng đi đứt 800.000đ tiền nhà và điện nước, bằng nửa tháng lương của em” – Hiếu nói giọng đứt quãng.
Cũng có những người công nhân tìm cách cải thiện cuộc sống
Không cam chịu như vợ chồng Hiếu – Mai, để cải thiện chất lượng bữa ăn, nhiều công nhân lao vào tăng ca để kiếm thêm thu nhập. “Càng làm thì sức khỏe càng hao hụt, tiền kiếm thêm rồi cũng đổ vào thuốc men nên tình hình cũng chẳng mấy khả quan”. Do đó, họ nghĩ mọi cách để đảm bảo sức khỏe còn tiếp tục làm việc.
Tâm tình đến đây, như nhiều nam nữ công nhân khác. Cô công nhân tên Hà, quê ở xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: “Rút kinh nghiệm, em nhờ bố mẹ ở quê gửi gạo, gửi khô cá, làm mắm gửi vào. Đồ cây nhà lá vườn nên chẳng phải tốn nhiều tiền mua. Khi nào muốn cải thiện thì em mua thêm quả trứng, lạng thịt”.
Liệu họ có thể sống đời sống công nhân đến khi nào?
Rời những vùng quê nghèo khó về TP HCM, một bộ phận không nhỏ công nhân dè xẻn chi tiêu, chấp nhận sống kham khổ để tồn tại. Họ nuôi hy vọng đổi đời, nhưng áp lực công việc, thu nhập thấp vẫn là thực trạng với họ. Tuy nhiên, họ có thể sống đời sống công nhân đến khi nào? Có thể sống suốt đời với cuộc sống này sao?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều người không trả lời được khi đề cập đến. Và hầu như ai cũng né tránh vấn đề này, vì đó cũng là nỗi niềm riêng của họ. Bởi hầu như tất cả đều thiếu trước, hụt sau. Ai may mắn hơn thì vừa đủ gửi về gia đình để phụ giúp. Vậy tương lai nào cho những người con phải xa quê này? Đó chính là toàn cảnh đời sống công nhân mà HRV muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng bạn sẽ hiểu hơn và cảm thông với cuộc sống của những người con xa xứ này.
Nguồn: cand.com.vn