Khi những cánh đồng lúa bắt đầu chuyển sắc vàng cũng là lúc đồng bào Tày tổ chức lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới diễn ra khi hai vụ gieo trồng chính trong năm chuẩn bị kết thúc. Lễ mừng cơm mới góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đất nước ta; tạo ra sức hút cho loại hình du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Lào Cai.
Lễ mừng cơm mới được tổ chức trang trọng và tôn nghiêm. Được đông đảo người dân tham dự; nhằm truyền tải được nhiều giá trị nhân văn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Theo chân hrv để xem lễ mừng cơm mới diễn ra như thế nào nhé !
Nguồn Gốc của Lễ mừng cơm mới
Về nguồn gốc của lễ mừng cơm mới, các cụ cao niên kể lại: Thuở xưa, có hai anh em trai sống trong một gia đình nghèo khó, quanh năm thiếu cái ăn, cái mặc. Cuộc sống nghèo khổ của họ vẫn tiếp tục như vậy. Những người dân trong bản cũng chung cảnh đói nghèo, quanh năm phải vào rừng kiếm sống qua ngày.
Ngày này qua tháng khác, cuộc sống của họ cứ tiếp diễn cho đến khi hai anh em khôn lớn trưởng thành, còn dân làng quanh năm vẫn nghèo khổ, làm mãi chẳng bao giờ đủ ăn. Không cam chịu sống trong cảnh đói nghèo, hai anh em quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn.
Hơn một năm sau, hai anh em trở về với bản làng và mang theo một thứ ngũ cốc ngon hơn ngô. Hai anh em hồ hởi cho biết được “người trời” cho một thứ ngũ cốc mà “người trời” hay ăn, đó là những hạt lúa. Họ bắt đầu gieo những hạt lúa đó xuống đất, rồi hạt nảy mầm, ra bông, kết hạt. Từ đó dân làng được ấm no, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước nữa.
Lễ mừng cơm mới của diễn ra như thế nào?
Khi những cánh đồng của bản người Tày tấp nập người gặt lúa cũng là lúc lễ “kin khẩu mẩu” bắt đầu. Nam thanh nữ tú đứng giã gạo ven các con suối Nhù, Nậm Mu, Mường Hoa, Nghĩa Độ. Tiếng nói cười rộn rã hòa cùng nhịp chày giã gạo tạo thành âm thanh thật vui tai. Không khí vui tươi, rộn ràng báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Lễ mừng cơm mới diễn ra khi sắp kết thúc hai vụ gieo trồng chính trong năm. Người Tày quan niệm rằng: nếu gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà, hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “cơm mới”. Ngày tổ chức lễ được một thầy mo uy tín trong vùng chọn rồi thông báo cho cả bản. Vào ngày này, tất cả các gia đình trong bản sẽ cùng tiến hành làm lễ kin khẩu mẩu.
Mỗi gia đình sẽ chọn vài bông lúa đẹp nhất trong đám ruộng của mình rồi cắt về nhà. Sau đó, bông lúa sẽ được thả vào bát nước đun sôi và đặt lên trên bàn thờ tổ tiên. Nghi lễ cầu mong mùa màng bội thu, mùa sau lại có của cải dâng tổ tiên,.. Mâm lễ cúng của người Tày có thể bày các món ăn như gà luộc, đầu lợn nhưng không thể thiếu cốm.
Chuẩn bị cốm cho lễ mừng cơm mới
Làm cốm đã trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực Tây Bắc. Ngày nay, làm cốm vẫn được duy trì và tiếp nối suốt bao đời nay nhờ lễ mừng cơm mới.
Cách chọn bông lúa để làm cốm
Những bông lúa nếp ngả màu lam vàng, còn chút sữa ở đầu hạt được đồng bào gặt về để làm cốm. Người dân chọn lúa nếp chưa chín hết bởi hạt cốm mới đạt được độ thơm, dẻo như ý.
Sau khi được gặt về, lúa nếp sẽ được chế biến ngay bằng cách sàng sảy lấy những hạt mẩy chắc. Tiếp đó, lúa được đưa vào rang và cho vào cối giã cho bong vỏ trấu bên ngoài. Khi đã được sàng sảy hết cám và vỏ trấu, những hạt cốm xanh tươi bắt đầu “lộ diện”. Để cho cốm dẻo và xanh hơn thì cần giã thêm một lần nữa. Sau lần giã này, loại bỏ kỹ cám là đã có thể thưởng thức cốm. Nếu không thể gặt được nếp non, các gia đình sẽ phải cho lúa nếp vào luộc trước khi mang đi giã.
Trong lễ mừng cơm mới, có rất nhiều món ăn được chế biến từ cốm như xôi, chè, cháo, bánh. Hạt cốm sau bao lần giã; sàng sảy tròn mẩy, xanh ngắt như lá dong rừng; mười hạt đều cả mười, cầm vào mát nhẹ giữa lòng bàn tay.
Ý nghĩa của việc làm cốm
Lễ mừng cơm mới còn góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống từ chính đặc sản quê hương. Bởi đồng bào có thể thu lại một khoản lợi nhuận nhất định từ việc bán cốm. Vì công đoạn làm cốm khá công phu; cho nên giá thành của chúng cũng khá cao, dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Hãy đến ngay Lào Cai để không bõ lỡ dịp lễ hội của người Tày các bạn nhé! Đừng quên theo dõi, đồng hành cùng hrv để cập nhật những sự kiện – lễ hội hấp dẫn nhé!
Nguồn: paoquan.vn