Phố cổ Hội An – Nét đẹp cổ kính

Phố cổ Hội An – Nét đẹp cổ kính

Phố cổ Hội An, nơi từng là trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa và là nơi giao thương hàng hóa với nhiều nước phương tây. Trước khi trở thành phố cổ nơi đây đã từng là trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Phố cổ Hội An đã được công nhận và cấp Bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa vào tháng 3/1985. Được UNESCO chính thức công nhận là “Di sản Văn hóa thế giới” vào tháng 12/1999 sau nhiều năm đề cử; được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào 8/2009.

Hội An cũng được xem như là một bảo tàng sống; bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị. Đã góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ và giúp kinh tế thành phố phát triển vượt bậc.

phố cổ đơn sơ

Hội An – thương cảng cổ xưa

thương cảng hội an

Hội An từ lâu đã nổi tiếng là một đô thị thương cảng và được nhắc đến ở nhiều tài liệu trong, ngoài nước, với những tên gọi như: Fayfo, Faifo, Haifoo, Faicfo, Hoài Phổ, Hội An…Trước thế kỷ XV, nơi đây là một cửa cảng trọng yếu của Chămpa và sau đó, từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, với sự kết hợp của nhiều yếu tố, Hội An trở thành một trung tâm giao lưu kinh tế – văn hoá của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Thuyền buôn và thương nhân của nhiều nước Á – Âu đã đến đây buôn bán, lập thương điếm và xây dựng phố phường. Đồng thời, đây cũng là nơi hình thành chữ quốc ngữ và hội nhập của Thiên chúa giáo, Phật giáo ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII.

Trong quá trình giao thương, cảng thị Hội An luôn mở rộng cửa giao thoa, giao tiếp và hội nhập, tạo nên một sắc thái văn hoá riêng, đa dạng và phong phú trên cả hai phương diện văn hoá vật thể và phi vật thể. Sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di tích, kiến trúc ở đây. Ở Hội An, các công trình di tích khảo cổ, kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, làng nghề truyền thống … khá phong phú về số lượng, loại hình; được phân bố đều khắp địa bàn.

Vị trí phố cổ

Khu phố cổ Hội An nằm ở vị trí trung tâm của thị xã, bên bờ Bắc của hạ lưu sông Thu Bồn, cách Cửa Đại (Hội An) 6km về phía Tây, Cửa Hàn (Đà Nẵng) 30km về phía Nam, có diện tích tổng cộng 0,3 km2, nơi rộng nhất khoảng 300m và dài nhất khoảng 1000m.

Kiến trúc tạo nên nét độc đáo của phố cổ

đường phố hội an

Khu phố cổ là một thế giới biệt lập. Cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Ngoài hình ảnh chiếc cầu Nhật Bản được coi là biểu tượng, Hội An còn chứa đựng một kho di sản văn hoá lịch sử vô giá với 160 ngôi nhà cổ, 20 giếng cổ cùng một số lượng lớn chùa, cầu, miếu đình, nhà thờ tộc, hội quán như miếu Quan Công, Hội quán Quảng Đông, hội quán Phước Kiến, chùa Phúc Chánh…

Nếu như những cảng lịch sử khác ở Đông Nam Châu Á có sự tồn tại các nhà, cửa hiệu theo kiểu Trung Quốc, thì Hội An có một điểm nổi bật là thành phố thương cảng lịch sử này đã được bảo tồn nguyên vẹn, với sự đan xen hài hoà của các cửa hiệu và các ngôi nhà gỗ truyền thống Việt Nam.

Phần lớn nhà cửa ở Hội An là những kiến trúc có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Nhà cửa được phân bố theo cách kết hợp của hiệu buôn bán, các công trình kiến trúc, tín ngưỡng: đình, chùa, hội quán, miếu, nhà thờ tộc, cầu và bến, sông, chợ… tạo thành các Phố theo chiều dọc (Đông- Tây) ở các phố: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đường cắt ngang: Trần Quý Cáp, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Huệ. Mặt khác, hạt nhân khu phố cổ được bao bọc xung quanh (trong bán kính 3-5 km) bởi môi trường sinh thái nhân văn độc đáo và phong phú bao gồm: các làng nghề truyền thống, môi trường sông – nước – biển – bờ biển – đảo – cồn bãi.

Kiến trúc ven sông

kiến trúc ven sông

Ở Hội An, những Cầu chùa, dẫy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài; Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến…vẫn đang lặng lẽ tồn tại. Đặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạng; sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng.

Vào mỗi đêm 14 âm lịch, mọi sinh hoạt của thị xã bình yên này được quay trở về với tập quán của một thời quá khứ với những ngọn đèn lồng huyền ảo; phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào; đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn quả trám to nhỏ các cỡ…; tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo qua lễ hội “Đêm rằm phố cổ”.

Giá trị nguyên bản vẫn được bảo tồn

điểm du lịch hội an

Quần thể di tích trong khu phố cổ gồm nhiều loại hình; trong đó cơ bản nhất là kết hợp các cửa hiệu buôn bán cấu thành khu phố cổ mang tính nguyên gốc trong thiết kế, vật liệu; kỹ thuật, cảnh quan. Các chủ di tích trong khu phố cổ vẫn giữ được các tài sản; hiện vật của di tích (cả di tích tư nhân, di tích sở hữu tập thể và nhà nước). Môi trường cảnh phố trên bờ hệ thống sông Thu Bồn; cách biển khoảng 4km và môi trường sinh thái vùng ven; các khu lân cận cũng đều được giữ gìn, bảo đảm được tính nguyên gốc của bố cục chung.

Nơi hội tụ văn hóa phong phú

Hội An còn hấp dẫn bởi những yếu tố về con người, phong tục tập quán, ngôn ngữ; cảnh sắc thiên nhiên, những hàng hoá phong phú và nổi tiếng khắp vùng cùng với các làng nghề truyền thống được nhiều người biết đến như làng mộc Kim Bồng.

Cho đến nay, Hội An vẫn giữ được những món ăn đậm đà phong vị xứ Quảng như bánh Bo; bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Trên phố Hội An là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Hiện nay các gia đình sinh sống lâu đời ở đây còn gìn giữ những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ. Những chiếc đèn ấy chỉ được chưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý; chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự.

Du lịch phố cổ Hội An, đóng góp lớn cho nền kinh tế

cầu phố cổ

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh tự hào chia sẻ; Là thương hiệu lớn của du lịch Quảng Nam; mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến Hội An đều có những giá trị riêng. Mỗi người dân Hội An là một đại sứ, là cầu nối trong việc quảng bá; giới thiệu về Hội An là thành phố của Di sản với vẻ đẹp hiền hòa, mến khách; an toàn và thân thiện.

Người dân Hội An luôn sẵn lòng giúp du khách khám phá, trải nghiệm về thành phố của mình với những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Nhờ vậy tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng ngoạn mục; đời sống kinh tế, văn hóa; xã hội của người dân được thay đổi, nâng cao rõ rệt.

Lượng du khách đến Hội An ngày một tăng nhanh. Nếu như năm 1999 chỉ có gần 100 nghìn lượt khách tham quan thì đến năm 2018 con số này là hơn 2,3 triệu lượt khách. Năm 1999 có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ; đến cuối năm 2018, Hội An sẵn sàng đón hơn 21.000 khách lưu trú mỗi ngày.

Tính đến 12/2018, toàn thành phố có 624 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng khách sạn; biệt thự du lịch, homestay. Tỉ trọng cơ cấu kinh tế của nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch – Thương mại năm 2018 chiếm gần 72%. Thu nhập xã hội từ du lịch của tỉnh Quảng Nam đạt trên 11.100 tỷ đồng năm 2018; trong đó Hội An góp phần không nhỏ. Thu  nhập bình quân đầu người của thành phố Hội An đạt gần 46 triệu đồng/năm; nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Nguồn: maxreading.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội