Ngỡ ngàng với đặc trưng của đám cưới miền Tây

Ngỡ ngàng với đặc trưng của đám cưới miền Tây

Có thể nhận xét rằng, miền Tây là một trong những nơi lưu giữ những nét văn hóa đẹp, đặc sắc nhất nước ta. Đặc biệt, đám cưới miền Tây mang một màu sắc rất riêng, rất độc đáo. Và sẽ thật tiếc nuối khi bạn chưa một lần đi dự đám cưới ở đây.

Vậy đám cưới ở nơi đây có gì đặc sắc, mỗi một đám cưới thường được diễn ra như thế nào? Bạn sẽ được biết ngay thông qua những chia sẻ sau đây. Tin chắc rằng, sau khi đọc xong các chia sẻ này, bạn sẽ mong muốn có được một đứa bạn miền Tây. Để có thể được một lần đi dự đám cưới miền Tây cho mà xem.

Lục lễ cưới xin ngày xưa và nay của Nam Bộ

Xưa nay, người ta luôn coi trọng chuyện cưới xin và mỗi thời, thì cách cưới xin có khác nhau đôi chút. Riêng miền Tây, dù là thời nào, phong tục cưới hỏi có được lược giản ra sao. Thì nét đặc trưng của đám cưới quê vẫn luôn mang màu sắc rất riêng và độc đáo.

Đám cưới xưa

Đám cưới trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người con trai, con gái. Bàn về lễ cưới của người Nam bộ ngày xưa, ta nghĩ ngay đến lục lễ, bao gồm: Giáp lời, Lễ dạm, Thông gia, Cầu thân, Đính hôn, Lễ cưới. Và người ta phải thực hiện đủ cả 6 lễ mới được tính là nên duyên vợ chồng. Nếu thiếu 1 lễ, coi như trời đất không chứng giám.

Đám cưới nay

Ngày nay, người Nam bộ không còn giữ lục lễ truyền thống nữa do nhiều yếu tố khách quan. Suy nghĩ của những người lớn trong nhà cũng thoáng hơn, họ chỉ cần đôi trẻ hạnh phúc là đủ. Lễ cưới được thu gọn lại làm ba lễ chính, bao gồm: Dạm ngõ, Lễ hỏi và Lễ cưới.

Một số gia đình thích sự đơn giản, họ còn lược bớt cả Lễ hỏi và chỉ cần Dạm ngõ và Lễ cưới. Tuy nhiên, đôi lúc, lễ cưới được tổ chức rất lớn, mang tính chất như gộp cả lẽ ăn hỏi vậy.

Chuẩn bị

Đám cưới miền Tây có những nét riêng, và được chuẩn bị vô cùng tỉ mĩ.

Sau khi sui gia gặp mặt bàn chuyện hôn sự cho hai con, định ngày tổ chức đám cưới và nạp tài (vàng bạc, tiền cưới), cuối cùng đám cưới diễn ra. Lễ cưới của người miền Tây được tổ chức ở nhà trai (treo biển “Tân hôn”) và nhà gái (treo biển “Vu quy”).

Trước Lễ cưới, người miền Tây chuẩn bị chu đáo từ thịt, cá, rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, trà,… và quan trọng không kém chính là dựng rạp. Rạp cưới xưa công phu vô cùng, được dựng bằng cây, mái che lá dừa.

Cổng cưới được trang hoàng bằng lá cây, chỉ màu tạo hình trông rất đẹp. So với rạp cưới bây giờ (loại rạp thuê, cổng cưới cũng được thuê, không tốn nhiều thời gian để dựng) thì rạp cưới xưa thú vị hơn rất nhiều.

rạp cưới

Nét độc đáo của đám cưới miền Tây

Lễ cưới được diễn ra trong hai ngày, một ngày gọi là “nhóm họ”, một ngày chính thức, đàng trai rước dâu, đàng gái đưa dâu. Từng thời điểm sẽ có nét thú vị riêng, không lẫn vào nhau. Cụ thể là những việc cần làm trong mỗi ngày như sau.

Nhóm họ

Nhóm họ có lẽ là ngày vui nhất của đám cưới miền Tây. Bà con khắp nơi tề tựu về chung vui cùng đôi trẻ. Sáng sớm, người nhà đi chợ mua thịt cá, đồ tươi, đồ khô về rồi bày ra vừa làm, vừa rôm rả chuyện trò. Các món ăn đều tự tay người nhà nấu .Còn bây giờ đa phần là thuê người nấu hoặc đặt nhà hàng mang đến.

Các bà băm tỏi, băm hành; các chú, các bác mổ heo, cắt tiết vịt. Các dì, các cô xẻ thịt, ướp thịt, nấu đủ món từ lẩu, xào tới kho, gỏi. Các chị túm tụm vào trong nhà đổ rau câu, gọt rau, củ,… Chiều nhóm họ rộn ràng tiếng nhạc, tiếng nói cười, chị em xúng xính áo quần. Tất cả chuẩn bị cho bữa tối “đãi bạn” trà rượu, hoa quả nhộn nhịp.

Tối đêm ấy náo nhiệt vô cùng. Nhạc cưới rình rang trong nhà vọng ra ngoài ngõ. Đến khuya, bà con trong nhà và khách quan còn được thưởng thức món cháo, gọi là “cháo khuya”, thường là cháo gà, cháo vịt hoặc cháo trắng ăn kèm với trứng vịt muối,… Mọi người còn thức ca hát, nhảy múa với nhau đến khi cả xóm chìm sâu vào giấc ngủ.

Chính thức

Sớm hôm sau, cô dâu dậy thật sớm để đi trang điểm, làm tóc. Nhà trai sang đón dâu mang theo mâm lễ, trong đó có trầu, cau, cặp đèn cầy. Trong sự chứng kiến của bà con hai họ, quan khách và vong linh người đã khuất.Đôi trẻ bái từ đường, dâng trà rượu cho song thân.

Họ còn thắp đèn cầy dâng lên bàn thờ tổ tiên, mong tổ tiên chứng giám. Mọi lễ nghi đã xong, đàng trai rước dâu về. Thường thì nhà gái sẽ có mươi người đi đưa dâu (gọi đúng là “tống hôn”). Họ có nhiệm vụ là để cô dâu đỡ cảm thấy tủi thân khi về nhà chồng ở hẳn. Cô dâu sẽ bắt đầu một đoạn đời mới bên những người xa lạ.

Rước dâu

Rước dâu miền Tây cũng trở thành một nét đẹp đáng nói. Người miền Tây thường rước dâu gần thì đi bộ, xa thì đi bằng ghe, xuồng, tắc ráng, vỏ lãi,… Những chiếc vỏ lãi đón đưa dâu thường được cột nơ đỏ ở mũi ghe trông rất đẹp. Hình ảnh đó đã để thương, để nhớ trong lòng người từ bao giờ mà trong bài hát Thuyền hoa, nhạc sĩ Phan Thế Mỹ viết: “Thuyền em đi trên sông trăng sáng – Cưới nhau về ta rước hội vui – Trên sông dài, thuyền hoa giăng…”.

Sau ba ngày cô gái về nhà trai làm dâu, đôi vợ chồng trẻ trở về nhà gái một lần nữa theo nghi thức phản bái. Phản bái là lễ mà đến nay người miền Tây vẫn còn giữ lấy. Chú rể mang khay trầu, rượu cùng đôi đèn cầy sang nhà gái làm thủ tục mời trầu, rượu, thắp đèn lên bàn thờ gia tiên tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục vợ anh. Ngay sau đó, cặp vịt đôi vợ chồng trẻ mang sang được giết làm món thết đãi người trong nhà và bà con thân cận.

rước dâu

Miền Tây vẫn giữ mãi nét văn hóa đẹp này

Đám cưới miền Tây vui vô cùng. Đây là ngày vui nhất, trọng đại nhất trong cuộc đời của mỗi người. Tuy hiện nay, nhịp sống hiện đại lắm những bận bịu, bộn bề lo toan, song người miền Tây vẫn giữ lại những nét đẹp trong ngày đại hỷ để từ đó, lễ cưới trở thành dấu ấn đậm nét nhất trong tim mỗi người.

Do đó, có thể nhận xét rằng, về miền Tây mà không đươc tham gia một đám cưới nào là sự nuối tiếc dành cho bạn. Bởi đám cưới miền Tây mang một nét rất riêng, dù không xa hoa như thành thị. Nhưng mang đến cho mọi người cảm giác rất riêng, rất thú vị và thoải mái.

Nguồn:baolongan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội