Xót xa cảnh mưu sinh bên những gánh hàng rong

Xót xa cảnh mưu sinh bên những gánh hàng rong

Khi nhắc đến cụm từ “gánh hàng rong”, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những ký ức ức đẹp thời học sinh. Tuy nhiên, bạn có biết rằng phía sau những gánh hàng đơn sơ đó là những câu chuyện mưu sinh khác nhau. Dù thời gian có thay đổi, thì tại các góc nhỏ ở Sài Gòn đều không thể vắng bóng của những người bán hàng rong.

Nếu bạn nghĩ người bán hàng rong rất an nhàn, không phải đau đầu suy nghĩ hay lao động chân tay, thì bạn đã lầm. So với những nghề khác, nghề này vô cùng bấp bênh. Và chỉ những ai đã từng có tuổi thơ bên gánh hàng rong của các bà, các mẹ mới hiểu hết những vất vả mà người bán hàng rong phải chịu đựng.

Vài dòng ký ức

Tuổi thơ của tôi gắn liền với quang gánh trĩu nặng đôi vai của mẹ. Năm tháng trôi qua, cùng với đôi quang gánh, mẹ đã chắp cánh cho tôi từ những ước mơ đầu đời. Từ những bước khởi đầu ấy để chấp cánh cho những giấc mơ bay cao như bây giờ. Nhờ quang gánh nhọc nhằn của mẹ ngày xưa mà tôi mới có được như ngày hôm nay.

Đêm nay, trên đường về nhà, nhìn những gánh hàng rong chơi vơi trên phố, tôi có một chút buồn, một chút chua xót.Tôi có một chút chạnh lòng khi nghĩ về quãng đường mai này của những người bán hàng rong.

Một ngày làm việc của gánh hàng rong

Từ sáng sớm tới đêm khuya, những gánh hàng rong đi qua khắp những phố phường Sài Gòn, len lỏi qua từng con phố nhỏ, hẻm sâu. Trên đôi quang gánh cũ kỹ là những quá táo vàng ươm trong chiều nắng hạ. Đó còn là những gói xôi thơm lành, ấm nóng trong đêm về khuya. Và cũng là cả những ly chè ngọt mát giữa trưa nắng chang chang.

Nhưng cũng trong quang gánh hàng rong ấy là cả sự cơ cực của một đời người. Họ phải dậy từ sáng sớm tinh mơ, tất tả rời nhà cho một ngày mưu sinh mới. Và khi thành phố rơi vào giấc ngủ đêm, thì họ mới lê những bước chân mệt nhoài lầm lủi cô đơn trở về nhà.

Cuộc sống của họ là thế, nhưng đó là sự sống còn của cả một gia đình. Đêm Sài Gòn thức khuya, sẽ nghe thấy tiếng rao hàng dài suốt con phố nhỏ, những tiếng rao thẳm sâu, như chìm mãi vào bóng đêm cô độc, miệt mài. Những tiếng rao như vẽ vào đêm dáng gầy gò của người mẹ trên đôi quang gánh.

một ngày của gánh hàng rong

Nỗi niềm người bán hàng rong

Mỗi bước chân của người bán hàng rong là cả nỗi nhọc nhằn. Nhưng nó chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm, bền bỉ. Tình yêu này họ dành hết cho những người thương yêu trong gia đình. Họ là ai? Những người dân nghèo trong từng con hẻm sâu với những mái nhà tạm bợ… Những người từ khắp các miền quê mà đất khô cằn, nghèo khó.

Họ lam lũ, hiền hậu như thế cần và đáng được nhận những ánh mắt trân trọng từ những cư dân của thành phố này . Nơi mà vốn thấm đậm tình nghĩa đồng bào… Khắp các con ngõ, góc đường Sài Gòn, đâu cũng gặp những cảnh đời thúng mủng, quang gánh bán rong.

Nỗi lo mỗi ngày bên gánh hàng rong

Rất nhiều, rất nhiều các bà, các chị ở nông thôn, tỉnh xa buộc phải chấp nhận cuộc sống xa chồng con. Họ chấp nhận dạt lên Sài Gòn buôn thúng bán bưng. không ngại khổ cục. Bởi vì làm ruộng nơi quê nhà giờ không đủ sống, giờ không đủ trang trải chi phí học hành của con trẻ.

Ngoài nỗi vất vả mưu sinh, họ còn phải chống chọi với bao hiểm nguy, cạm bẫy. Có thể họ sẽ phải gặp cướp, gặp bọn nghiện hút, gặp kẻ háo sắc, và cả nỗi lo bị phạt khi bán trên đường cấm… Vượt qua những gian khổ khó khăn đó, trong họ là cả cuộc sống của gia đình. Họ cố gắng thực hiện những ước mơ đổi đời cho con của mình.

Ai cũng biết, với một đô thị văn minh, không ai muốn xuất hiện những hình ảnh gồng gánh của đội ngũ những người bán hàng rong, xe ba gác tự chế… nhưng bức tranh phố phường cũng sẽ thật đơn điệu nếu vắng đi tiếng rao, tiếng gõ “lốc… cốc”, “lách… cách” của những người bán hủ tíu dạo, bán bắp luộc, khoai nướng… hàng đêm…

Lối đi nào cho những gánh hàng rong

Điều quan trọng hơn cả, là trước khi muốn người dân ý thức bảo vệ sức khoẻ, môi trường thì họ cần hiểu về tình hình hiện tại. Khi nếp sống văn minh đô thị ở một môi trường, đã trở thành quen thuộc như lẽ sống của họ trong một thành phố như Sài Gòn. Đây vốn là miền đất ngược xuôi để tìm kiếm hạnh phúc của rất nhiều người dân ngoại tỉnh. Nhưng trước hết, điều cần quan tâm là những người bán hàng rong sẽ sống bằng cái gì?

Cần giúp họ sống thế nào đây khi môi trường kiếm sống chính đáng của họ không còn? Những hỗ trợ kịp thời dành cho họ là việc nên làm và phải làm. Nhiều gia đình nghèo rồi sẽ ra sao, bấu víu vào đâu? Và sẽ thay thế công việc hàng ngày của mình như thế nào khi bỏ gánh hàng rong?

Thiết nghĩ đó là những câu hỏi cần đặt ra để tìm câu trả lời cho mâm cơm người nghèo. Những tác động lớn này đến một bộ phận không nhỏ người dân nghèo cần phải được quan tâm. Mong rằng sớm có những quyết sách đúng để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người nghèo. Đó không chỉ là trách nhiệm hành chính mà còn là trách nhiệm đạo lý với người dân.

Đôi quang gánh trĩu nặng vai bà

Gánh hàng rong- gánh những tương lai của tuổi trẻ

Tôi nhớ mãi hình ảnh của một bà mẹ già mười mấy năm bên gánh chè nuôi bốn đứa con vào đại học năm nào… Với tôi, quang gánh cuộc đời của mẹ mãi đi vào trong tâm trí. Nó là bài học hy sinh không ngừng nghỉ cho các thế hệ con cháu sau này.

Đêm dần trôi… Bên đường vẫn còn những đôi quang gánh chơ vơ buồn… Mai này nếu không còn gánh hàng rong…Giấc mơ của những đứa trẻ nghèo sẽ trôi về đâu? Về đâu khi quang gánh của mẹ không còn… Quang gánh hàng rong. Quang gánh cuộc đời, sao nghe đến buốt lòng.

Tôi cũng rất buồn, khi có những người có tri thức lại gọi những người bán hàng rong là “kí sinh trùng”. Họ sử dụng sức mình để kiếm sống chân chính, sao có thể ví họ như loài kí sinh được? Chẳng qua cách kiếm sống của họ đã cũ so với cuộc sống hiện đại mà thôi.

Đó là cảnh sống của những gánh hàng rong mà HRV muốn gửi đến những ai chưa hình dung được. Chắc hẳn, sau bài viết , bạn cũng cảm thấy đồng cảm với những cảnh đời này đúng không? Hy vọng, trong tương lai sẽ có những con đường mới, tươi sáng hơn cho những người bán hàng rong này.

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội