Bình Định là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Đây là một trong những mảnh đất có bề dày lịch sử lâu nhất của Việt Nam; với nền văn hóa Sa Huỳnh tồn tại qua hàng trăm năm. Nơi đây không chỉ là cố đô cũ của vương quốc cổ Chăm Pa, mà hiện nay còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, di tích lịch sử, hiện vật độc đáo. Tái hiện lại một thời quá khứ rực rỡ huy hoàng của nền văn minh cũ. Về văn hóa, đến Bình Định không ai không biết đến nghệ thuật Tuồng (từ thời Đào Duy Từ) và hát Bội Bình Định (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).
Còn nói đến di sản văn hóa, tháp Chăm chắc chắn là những di tích được biết đến nhiều nhất. Tháp Chăm của người Chăm Pa cũ ở Bình Định còn tồn tại không nhiều, nhưng mỗi tháp lại có kiến trúc khác nhau; mang một nét đẹp cùng ý nghĩa lịch sử khác nhau. Dưới đây là danh sách những tháp Chăm cổ còn tồn tại. Các bạn có thể tham khảo để thêm một lựa chọn cho chuyến du lịch của gia đình nhé.
Tháp Bánh Ít tại Bình Định
Di tích đền tháp Bánh Ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là cụm tháp Chăm cổ còn tồn tại nhiều công trình nhất ở Bình Định, gồm 4 tòa tháp lớn nhỏ. Nhìn từ xa các ngôi tháp có hình dạng tựa chiếc bánh ít lá gai, đặc sản trứ danh của địa phương, nên được đặt tên theo đó.
Hệ thống tháp Chăm của tỉnh được hình thành trong khoảng thế kỷ 11-13. Hiện nay còn lại 14 công trình tháp Chăm, tập trung thành 8 cụm tại các địa điểm khác nhau. Trong đó tháp Đôi (2 tháp), tháp Dương Long (3 tháp), tháp Bánh Ít (4 tháp) là các cụm công trình đặc sắc, còn tồn tại gần như nguyên vẹn, thích hợp để du khách khám phá.
Tháp Kalan lớn
Tháp chính (Kalan) lớn nhất trong cụm tháp Bánh Ít với độ cao khoảng 29,6 m, nằm trên đỉnh đồi. Cấu trúc tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 12 m, cùng vòm mái hình mũi nhọn hướng lên trời. Đây là nơi để thờ phụng các vị thần trong Ấn Độ giáo hoặc thờ Phật tùy triều đại.
Tháp hỏa (Kosagrha)
Kế bên tháp chính là tháp hỏa (Kosagrha) với cấu trúc hình chữ nhật, độ cao 10 m. Tháp có chức năng như nhà kho, nơi chứa các vật dụng phục vụ tế lễ của người Chăm xưa. Công trình này còn được gọi là tháp Yên Ngựa, do cấu trúc mái được tạo dáng cong tròn lõm ở phần giữa giống hình yên ngựa.
Tháp Bia (Posah)
Tháp Bia (Posah) cao bằng tháp Hỏa với cấu trúc hình vuông, nằm phía Đông Nam tháp chính. Bốn cửa tháp đều mở thông nhau, khác với đa số đền tháp Chăm ở địa phương. Phần mái tháp được tạc những khối hình bầu lọ, nên còn được gọi là tháp Bầu Rượu.
Tháp Bia là kiến trúc thường xuất hiện trong cụm đền tháp lớn ở một vùng, có bia ghi lại công trạng của các vị thần và vua Chăm. Tuy nhiên tấm bia trong tháp hiện không còn.
Nằm phía dưới hướng Đông của tháp chính khoảng 30 m là tháp Cổng. Tháp cao khoảng 12 m, khung hình vuông mỗi cạnh 7 m. Nét kiến trúc trên tháp Cổng gần giống tháp chính.
Cụm tháp Bánh Ít nằm cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 20km. Du khách có thể tiện ghé tham quan trên đường từ sân bay Phù Cát về thành phố hoặc ngược lại.
Tháp Dương Long
Tháp Dương Long (xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn) cách trung tâm TP. Quy Nhơn gần 40km, trên cùng trục đường đi qua tháp Bánh Ít. Đây được coi là cụm tháp gạch cao nhất Việt Nam, với độ cao ngôi tháp chính giữa là 39 m, hai tháp còn lại cao khoảng 32 m.
Không như hầu hết công trình tháp Chăm ở Việt Nam được xây bằng gạch, tháp Dương Long lại có sự kết hợp nhiều chi tiết bằng đá, mang vẻ đẹp khác lạ.
Tháp Dương Long tọa lạc trên địa thế đất rộng, bằng phẳng, nên thường được các võ đường chọn làm nơi tập luyện, biểu diễn, để môn sinh cảm nhận được hào khí quê hương, nơi được mệnh dang là “cái nôi” của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam.
Tháp Đôi
Nằm ở trung tâm thành phố, di tích tháp Đôi (phường Đống Đa) gồm tháp phía Bắc cao hơn (khoảng 20 m) và tháp phía Nam kề bên (cao khoảng 18 m) có kiến trúc tương đồng. Hai ngôi tháp không kết cấu nhiều tầng như truyền thống, mà chỉ có hai phần chính là khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp có điêu khắc trang trí, ảnh hưởng từ kiến trúc đền thờ Khmer.
Đôi tháp từng bị hủy hoại phần lớn trong lịch sử, công trình hiện nay đã được các chuyên gia trùng tu gần giống như xưa.
Bên trong tháp thờ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni bằng sa thạch. Cũng được phục chế lại từ nguyên mẫu dựa trên bản vẽ của nhà nghiên cứu người Pháp.
Các đền tháp chính của người Chăm thường thờ tượng Linga – Yoni. Biểu tượng của thần Siva theo Ấn Độ giáo và tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển.
Theo ban quản lý các di tích đền tháp Chăm ở Bình Định, hiện các tòa tháp chỉ có chức năng phục vụ nghiên cứu lịch sử và tham quan. Không còn là nơi đồng bào Chăm dùng để tổ chức lễ nghi truyền thống, sự kiện văn hóa; do cộng đồng người Chăm ở địa phương còn rất ít.
Nguồn: vnexpress.net