Tết Nguyên Đán là dịp lễ truyền thống của các dân tộc Đông Nam Á nói chung; của dân tộc Việt Nam nói riêng. Văn hóa ngày tết hình thành rất riêng ở mỗi quốc gia; ngay cả trong quốc gia giữa các dân tộc cũng mang nhiều điểm riêng biệt tạo nên nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Mỗi vùng miền tạo nên phong tục ngày lễ tết khác nhau. Trải qua nhiều yếu tố khác biệt thì mục đích cuối cùng trong ngày Tết Nguyên Đán đều là cầu mong bình an, thịnh vượng; phát tài, phát lộc trong năm mới cho gia đình. Cùng HRV tìm hiểu những phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán của các dân tộc vùng cao như thế nào nhé!
Đi ăn trộm lấy may của người Lô Tô
Người Lô Lô ở Hà Giang quan niệm thời khắc Giao thừa, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì đó thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Vì vậy, họ đi lấy trộm cầu may. Những thứ họ lấy chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi… chứ không phải đồ vật có giá trị lớn.
Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không để chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen không chào hỏi. Nếu bị bị chủ nhà bắt được họ cũng không bị trách móc gì. Đặc biệt mỗi gia đình đi ăn trộm phải lấy cho đủ con số 12. Đó là con số may mắn ứng với 12 tháng trong năm mới.
Gội đầu bằng nước gạo chua – Dân tộc Thái trắng
Lễ hội Gội đầu, còn gọi là “Lung Ta” là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái Trắng nói chung và người Thái trắng Quỳnh Nhai nói riêng. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái; mang tính nhân văn sâu sắc, thân thiện của con người với tự nhiên.
Cứ vào chiều 30 Tết Nguyên đán, người Thái trắng ở Sơn La sẽ có tục gội đầu để xua tan những gì không may mắn ở năm cũ, hi vọng một năm mới thật tinh khôi. Họ chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm có mùi chua rồi từ từ dội lên tóc. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ.
Hát thi với gà – Người Pu Péo
Người Pu Péo ở Hà Giang cho rằng, tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng liêng, đánh thức ông mặt trời dậy. Vì thế khi giao thừa đến, người dân phải canh chừng gà trống. Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là họ đốt một quả pháo ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn.
Niêm phong nhà bằng giấy đỏ – Đồng bào dân tộc Cao Lan
Người Cao Lan ở vùng núi Tây Bắc có một tập tục để chuẩn bị cho việc đón năm mới chính là tục dán giấy đỏ trong nhà. Theo đó, trước Tết khoảng 2 ngày, người dân sẽ niêm phong tất cả đồ dùng trong gia đình: cuốc, xẻng, dao, cây cối, chuồng lợn gà trâu,… rồi dán giấy đỏ để chúng được “nghi ngơi”. Tục này mang ý nghĩa bắt đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tục gọi hồn ngày Tết
Một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái là tục gọi hồn. Thường vào tối 29 hoặc 30 Tết Nguyên đán; mỗi gia đình thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, một để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Đầu tiên, người cúng lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau; vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần; sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, người cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà…
Nguồn: eva.vn